Trao việc làm cho 1 lao động nữ có nghĩa là thêm 1 đứa trẻ nữa được đến trường!

Hàng trăm nhân viên đang làm việc tại công ty Liberty and Justice đều là lao động nữ trên 30 tuổi, nhóm đối tượng vốn bị ngành công nghiệp may mặc phớt lờ.

Anh Chid Liberty, người sáng lập công ty Liberty and Justice chia sẻ rằng, khi còn nhỏ, anh không thực sự hiểu mình đến từ đâu. Cha anh là một nhà ngoại giao người Liberia sống lưu vong ở Đức và Mỹ. Ông kiếm sống bằng nghề dạy lịch sử Châu Phi. Lớn lên trong cộng đồng phần lớn bao gồm các nhà ngoại giao người Châu Phi và gia đình họ, anh Liberty chưa bao giờ hình dung ra đời sống nơi mình từng sinh ra là như thế nào.

Trong thế giới quan của anh khi đó, người Châu Phi thường lái những chiếc ô tô Mercedes-Benz sang trọng, diện những bộ đồ thời thượng mỗi ngày và học tập tại những ngôi trường tốt nhất thế giới. Thậm chí, anh cũng không mảy may nghĩ tới những vấn đề như chủng tộc, màu da bởi gia đình anh thuê người làm công từ nhiều nơi khác nhau như Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, anh lớn lên với suy nghĩ rằng, người Châu Phi luôn đứng ở vị trí cao nhất trong chuỗi thức ăn.

Trao việc làm cho 1 lao động nữ có nghĩa là thêm 1 đứa trẻ được đến trường

Chỉ khi lên lớp bảy, đọc được những tài liệu viết về điều kiện sống thực tế của người dân Liberia, nhận thức của anh mới bắt đầu thay đổi. Nhớ lại thời điểm đó, anh chia sẻ rằng: “Khi tôi biết, chỉ 2% người dân nơi đây có điện thoại di động, tôi đã rất bất ngờ. Lúc đó, tôi mới thực sự hiểu về miền đất tôi sinh ra”.

Khi anh Liberty vừa tròn 18 tuổi, cha anh qua đời, anh nhen nhóm ý định trở về quê hương. Được truyền cảm hứng từ những nỗ lực của người đoạt giải Nobel Hoà Bình Leymah, Nữ Cựu Tổng thống Liberia, Ellen Sirleaf và Phong trào Hoà bình Giải phóng Phụ nữ Liberia góp phần chấm dứt 15 năm nội chiến, anh quyết tâm quay lại quê nhà. Anh Liberty kể lại rằng: “Tôi chỉ nghĩ rằng, thật thú vị khi tôi muốn thay đổi xã hội Liberia. Tôi đã ở Thung lũng Silicon, làm việc tại các công ty khởi nghiệp công nghệ với tư cách là một nhân viên tài chính và tôi nghĩ, tôi có thể áp dụng kỹ năng đó để mang đến cơ hội việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho lao động nữ Liberia và sau đó, tôi quyết định về nơi mình sinh ra, thử sức trong một ngành nghề mà tôi gần như chưa biết gì”.

Thuê lao động nữ trên 30, 40, 50 tuổi: Tưởng là sai lầm hoá ra lại là một việc tốt

Liberty and Justice, công ty do anh và Adam Butlein đồng sáng lập vào năm 2010, giờ đây đã trở thành nhà sản xuất may mặc được cấp chứng chỉ thương mại công bằng đầu tiên ở Châu Phi, sản xuất hàng hoá cho các thương hiệu như Prana, FEED Projects, Haggar và nhiều nhà buôn lớn khác ở Mỹ. 90% nhân công tại các nhà máy của công ty Liberty and Justice ở Liberia và Ghana đều là phụ nữ và đều được nhận lương cao hơn 20% so với những người đồng nghiệp cùng lứa tuổi với họ tại các công ty khác. Không những vậy, các nhân viên cũng sở hữu 49% cổ phần công ty, Liberty và Justice chỉ giữ lại 51% nhằm phục vụ cho các hoạt động phát triển cộng đồng.

Trao việc làm cho 1 lao động nữ có nghĩa là thêm 1 đứa trẻ được đến trường!

Anh Liberty trầm tư: “Chúng tôi thực sự đang cố gắng đặt người lao động ở vị trí trung tâm và nghĩ rằng, thứ mang đến lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi vào cuối mỗi ngày là những người công nhân tận tâm. Mọi người không tin vào những kiểu nhà máy như thế này tại Châu Phi bởi vì họ nghĩ công nhân Châu Phi thường không được trả thù lao xứng đáng. Tôi cho rằng, đây là một suy nghĩ sai lầm”.

Tuy nhiên, quả thực, anh đã rất thành thật chia sẻ rằng, ban đầu, anh gần như chẳng biết gì về ngành may mặc. Chẳng hạn như, lần đầu tiên, anh trình bày ý tưởng của mình với các nhà đầu tư, cố gắng thuyết phục các đại gia có tầm ảnh hưởng trên thế giới tới Liberia để xem công ty anh đang tạo ra những gì – thực tế lúc đó, anh hoàn toàn không có gì và doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động. Anh thậm chí còn không có nổi một nhà máy nào. Anh nói: “Tôi biết dì tôi có một toà nhà mà tôi có thể sử dụng. Nhưng tôi cũng chưa thuê toà nhà đó. Tất cả những gì tôi có lúc đó chỉ là một vài email trao đổi qua lại”.

Cuối cùng, anh cũng kêu gọi được vốn từ một số nhà đầu tư chung chí hướng nhưng anh lại phải mất thêm một năm xây dựng thêm nhiều mối quan hệ khác để sửa chữa sai lầm trước đó của mình và tiếp tục thuyết phục họ.

Tuy vậy, một vài sai lầm ban đầu của công ty về sau lại trở thành những lợi thế khó có thể ngờ được. Anh Liberty nhớ lại rằng: “Chúng tôi thuê một nhà tư vấn thật tuyệt vời. Họ đã tới để xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân… Tuy vậy, ngay khi họ tới, họ đã nói cho chúng tôi biết, chúng tôi lạc hậu thế nào”.

Chúng tôi đã phạm sai lầm ở nhiều vấn đề, trong đó có việc thuê một lực lượng lao động gồm nhiều phụ nữ ở lứa tuổi 30, 40 và 50. Anh Liberty tiếp tục chia sẻ rằng: “Đối với một xưởng may mặc điển hình, tuổi trung bình của người lao động là khoảng 23. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, bất cứ ai cũng có thể làm nghề may được. Tôi không nhận ra rằng, ở Trung Quốc, ngành may mặc giống như một môn thể thao Olympic và rằng, họ luôn chú ý đến năng suất lao động. Người đào tạo công nhân may của chúng tôi cảm thấy, chúng tôi nên sa thải tất cả công nhân mà chúng tôi đã thuê”.

Thay vì nghe theo lời tư vấn của người đào tạo may, anh Liberty đã chấp nhận “hứng đạn” và đầu tư vào lực lượng lao động hiện có. Rủi ro này lại thúc đẩy mọi công nhân chạy đua, gia tăng năng suất cũng như làm việc với tinh thần đầy quyết tâm. Anh Liberty cảm động kể lại rằng, “Những người lao động nữ lớn tuổi thực sự đã tạo ra văn hoá cho Dự án May mặc của Phụ nữ Liberia, nhà máy đầu tiên của chúng tôi. Mặc dù, chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu nhưng họ luôn đi làm sớm hơn một tiếng đồng hồ, họ cầu nguyện và ca hát trước khi ngồi vào máy may. Họ rất cẩn thận trong cách mặc đồng phục, điều mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở những cô gái 19 tuổi… Do vậy, sai sót trong việc tuyển chọn công nhân ban đầu dường như lại là một việc khá tốt.

“Bạn trao cơ hội làm việc cho một lao động nữ thì ưu tiên của cô ấy sẽ là đưa con cô ấy tới trường”

Vào năm 2012, công ty Liberty and Justice mở rộng sang Ghana, khởi động Dự án May mặc của Phụ nữ Ghana bằng việc mua lại một nhà máy sẵn có tại đó. Khi chuyển đến một đất nước mới, quá trình học tập của công ty Liberty lại bắt đầu. Anh chia sẻ rằng: “Ghana vào năm 2011 đã là một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Môi trường kinh doanh tuyệt vời, cơ sở hạ tầng hiện đại, Ghana mang đến những điều kiện kinh doanh vô cùng thuận lợi so với các nước ở Tây Phi. Nếu bạn không đầu tư ở Ghana, bạn có vẻ là người rất lập dị. Nhưng Chúa ơi, mọi thứ thật sự rất, rất khác. Người dân Ghana từ lâu đã thấm nhuần văn hoá Anh Quốc và các nền văn hoá lân cận của người Châu Phi bản địa. Vì thế, chúng tôi phải làm mọi việc chuẩn mực hơn so với những gì chúng tôi đang thực hiện ở nhà máy Liberia”.

Nhìn chung, điều quan trọng nhất đối với bất cứ ai muốn đầu tư tại nền kinh tế đang bùng nổ ở Châu Phi này là bạn cần hiểu rằng, kinh doanh ở đây thực sự là một cuộc chơi lớn. Anh Liberty nói: “Mọi việc không giống như ở San Francisco (Mỹ), nơi tôi nghĩ ai cũng có thể mở doanh nghiệp, mọi thứ diễn ra trên mạng và mọi người đều tuân theo những luật lệ chung. Tuy nhiên, ở Châu Phi, bạn có thể dễ dàng bị bóp nghẹt nếu bạn không làm việc với đúng người. Bạn sẽ luôn bị choáng ngợp khi ngày nào cũng phải đương đầu với những công việc đầy thử thách và lạ lẫm.Gạt những khó khăn ấy sang một bên, Liberty and Justice giờ đây chào đón thêm 45 công nhân đến làm việc tại nhà máy của họ ở Ghana mỗi tháng. Năm 2014, tổng số lao động ở đây lên 700 người. Gần đây, nhà máy của anh Liberty ở Liberia cũng đã chuyển đến làm việc tại một toà nhà rộng lớn hơn với khoảng 500 công nhân. Anh Liberty dường như đang đi đúng lộ trình do mình lập ra và hẳn sẽ sớm hoàn tất sứ mệnh mà người cha của anh hằng mong đợi.

Anh Liberty kể lại rằng: “Xét về các phương diện, bố tôi là một nhà xã hội theo chủ nghĩa toàn Châu Phi, là một thành viên của nhóm hậu thuộc địa, luôn ủng hộ các chính sách tiến bộ ở Châu Phi. Tôi lại quan tâm đến sự thay đổi của khu vực tư nhân và các công cụ quản lý kinh tế vi mô, và cách chúng tạo ra một cuộc sống mới cho mọi người”.

 

Và cũng giống như Gbowee, Sirleaf và các nữ lãnh đạo địa phương khác, những người mà Liberty rất ngưỡng mộ, các nhà máy may mặc Liberty and Justice của anh đang góp phần thay đổi tương lai cho thế hệ tiếp theo ở Tây Phi. Anh Liberty nói rằng: “Một trong những mục tiêu chúng tôi muốn thực hiện là trao quyền cho các bà mẹ. Ngân hàng Thế giới thống kê rằng, ở Liberia, 40% trẻ em được đi học. Trong số lao động nữ đang làm việc cho chúng tôi, 98% con của họ đều được đến trường. Vì vậy, đối với tôi, sự thật rõ ràng là: Bạn trao cơ hội làm việc cho một phụ nữ thì ưu tiên của cô ấy sẽ là đưa con cô ấy tới trường”.

Thủ đô Nairobi (Kenya) có thể là một điểm sáng của phong trào này. Tuy vậy, nếu người dân Liberia tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục và bình đẳng như họ đã từng đứng dậy, thoát khỏi khỏi đống tro tàn sau nhiều năm nội chiến thì việc thế giới nhận ra những tiềm năng ở lục địa này chỉ còn là vấn đề thời gian. Anh nói rằng, “Tôi sẽ không đi đâu nữa”. Điều này nghe có vẻ giống một người đàn ông đã hiểu rõ nguồn gốc nơi anh sinh ra. “Tôi nghĩ rằng, các cơ hội đổi mới đã hiển hiện ở đây quá rõ. Và một khi chúng ta chớp lấy các cơ hội, tôi nghĩ bạn sẽ cảm nhận được rằng, sự trỗi dậy của Tây Phi đang diễn ra. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Tôi hy vọng, công ty Liberty and Justice có thể đóng góp một phần mình trong những nỗ lực đó”.


Mời các bạn tìm đọc tiếp các bài dưới đây để hiểu thêm về đời sống người dân Châu Phi:

Do đâu người dân các nước Châu Phi chưa giàu?

Tôi muốn đặt một bánh xà bông vào tay từng đứa trẻ không có tiền mua

Leave a Reply